Thị trường ngọc trai Trung Quốc thừa cung
Giá một chuỗi ngọc trai có 12 viên chưa đến 10 NDT, chỉ khoảng 1,50 USD khi chưa mặc cả.
Trong một cửa hàng trang sức ở Thượng Hải, những chuỗi ngọc trai lấp lánh được trưng bày dễ khiến mọi người chú ý hơn cả không phải do vẻ ngoài bắt mắt của những viên ngọc mà vì giá bán của chúng: giá một chuỗi ngọc trai có 12 viên chưa đến 10 NDT, chỉ khoảng 1,50 USD khi chưa mặc cả.
Cô Wang Caijiao, nhân viên bán hàng của một cửa hàng ở Phố Nanjing, một trong những khu phố thương mại tấp nập nhất của Thượng Hải cho hay, tất cả mọi người đều tới đây mua ngọc trai, cả người Trung Quốc lẫn người nước ngoài.
Số lượng ngọc trai nước ngọt khổng lồ trên thị trường đã khiến những viên ngọc đáng giá trở nên bình dân. Nhưng việc ngọc trai tràn ngập trên thị trường cũng là tin xấu đối với ngành sản xuất ngọc trai Trung Quốc, làm mất đi hình ảnh cao quý vốn có của ngọc trai.
Hiện nay, chính phủ Trung Quốc đang lo ngại về thiệt hại môi trường đối với những hồ chứa nước có nuôi cấy ngọc trai nên đang bắt đầu kiểm soát sản lượng. Và vấn đề môi trường có thể chấm dứt sự tăng trưởng của ngành ngọc trai.
“Ngành sản xuất ngọc trai đã không làm tốt trong hai năm qua do sản lượng quá cao. Cần phải giảm số lượng và nâng cao chất lượng,” giáo sư Li Jiale, của Đại học Hải dương Thượng Hải cho hay. Ông Li cho biết, những trang trại nuôi ngọc hiện nay kiếm được gần 2.000 NDT/kg ngọc trai, giảm mạnh so với mức kỷ lục hơn 20.000 NDT/kg vào hơn 10 năm trước.
Theo Hiệp hội thương mại trang sức và đá quý Trung Quốc, năm 2007, Trung Quốc đã sản xuất 1.600 tấn ngọc trai – vượt hơn 95% sản lượng toàn thế giới.
Hầu hết ngọc trai đều được nuôi trồng, đó chính là những viên ngọc có bề mặt thô ráp, có hình bầu dục được xâu thành chuỗi và bày bán trong cửa hàng của cô Wang. Còn những viên ngọc trai nước mặn có hình dáng hoàn hảo được hình thành trong tự nhiên có giá lên tới hàng triệu USD.
Số lượng ngọc trai khổng lồ do Trung Quốc sản xuất đã khiến môi trường tự nhiên trả một giá đắt. Nước ở những hồ nuôi cấy ngọc trai có màu xanh lục, đục ngầu, và thường bốc mùi hôi do tạp chất làm ô nhiễm nguồn nước.
Việc phát triển lộn xộn nuôi ngọc trai nước ngọt ở một số khu vực đã khiến thải ra một lượng chất thải lớn vào các hồ nước và hồ chứa, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn nước. Hubei, một trong những thành phố sản xuất ngọc trai lớn nhất Trung Quốc năm ngoái đã phải ra lệnh cấm nuôi ngọc trai trong những hồ nước và hồ chứa, hạn chế nuôi trồng ngọc trai trong ao.
Một số thành phố ở miền nam Trung Quốc cũng đã ban lệnh cấm hoặc giới hạn nuôi trồng ngọc trai trong những năm gần đây. Nhưng các chuyên gia cho rằng nuôi ngọc trai theo cách thức hợp lý sẽ không gây ra ô nhiễm.
Trai ăn những sinh vật nhỏ trong nước nên chúng thực sự có thể làm sạch nước. Nhưng một số nông dân không nuôi đúng cách nên đã khiến các sinh vật trong nước phát triển, Tổng th�� ký Hiệp hội ngọc trai tỉnh Jiangsu cho hay. Sô lượng trai quá lớn cũng làm tăng thêm mức độ ô nhiễm.
Nhưng chính quyền địa phương lại đang chịu sức ép trong việc đối phó với ô nhiễm. Bị ảnh hưởng do những quy định hạn chế mới, cũng như chi phí nuôi trồng tăng cao trong khi giá bán lại giảm, sản lượng ngọc trai Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giảm xuống còn 1.400 tấn trong năm nay và xuống còn 1.000 tấn trong năm 2010. Con số này giảm hơn 1/3 so với năm ngoái.
Sản lượng thấp có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận. Nhưng kinh nghiệm ở nhiều nơi nuôi ngọc trai cho thấy sản xuất với số lượng nhỏ hơn nhưng chất lượng cao hơn có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn.
Theo giáo sư Qiu Zhili, Đại học Guangdong, để người dân biết được rằng sản xuất 100 kg ngọc chất lượng thấp không mang lại lợi nhuận hơn sản xuất 20 kg ngọc chất lượng cao là điều rất quan trọng.
Tại quần đảo Polynesia thuộc Pháp, nơi sản xuất loại ngọc trai Tahitian, hiệp hội ngọc trai ở đây đã lên kế hoạch sản lượng và tuân thủ một cách nghiêm túc những quy định trên thị trường. Những loại ngọc trai không đủ tiêu chuẩn không thể được bày bán như một loại trang sức.
Chất lượng ngọc trai nước ngọt của Trung Quốc đang bắt đầu được cải thiện. Nếu được nuôi trồng hợp lý, mật độ trai trong ao thấp, cùng với thời gian nuôi dài hơn, các chuyên gia cho rằng những viên trai trông sẽ mịn, tròn hoàn hảo như những viên trai nước mặn của Nhật Bản và Nam Phi. Tất nhiên giá bán cũng sẽ cao hơn. Nhưng điều đó dường như sẽ không được thực hiện một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Nguồn: HaNoiNet