Thật giả bất phân - ngọc trai "giá bèo"
Do ham rẻ và thiếu hiểu biết nên ít khách nào hay những chuỗi ngọc giá bèo kia là ngọc rởm. Đang là cao điểm của mùa du lịch nên khách đổ đến thành phố biển Nha Trang rất đông. Ngày về, nhiều người trong họ hoan hỉ mua những chuỗi ngọc trai được bày bán tràn lan tại các quầy hàng ở khu vực chợ Đầm, thắng cảnh Hòn Chồng, cảng Cầu Đá… chỉ với giá vài trăm ngàn đồng về làm quà lưu niệm hoặc tặng bạn bè, người thân
Sôi động các phiên chợ ngọcTại quầy hàng mỹ nghệ P.P. ở chợ Đầm, thấy 2 bà khách luống tuổi mê mải ngắm ngọc nửa muốn mua, nửa lại không nên bà chủ quầy tên L. nhiệt tình thuyết khách rằng khi mua ngọc của chị ta, khách hoàn toàn yên tâm về chất lượng bởi "ngọc ấy do chính tay em thu mua từ dân lặn ở khắp vùng biển Khánh Hòa chứ không qua bất kỳ mối trung gian nào".
Bà L. thỏ thẻ cho khách biết: "Ngọc trai thì nhiều nơi có như Vũng Tàu, Phú Quốc, Quy Nhơn… nhưng chất lượng ngọc rất kém bởi những địa phương đó chủ yếu bán ngọc cấy nhân tạo. Riêng vùng biển Khánh Hòa do có nhiều eo, vịnh ít sóng to gió dữ thích hợp cho sự phát triển của trai ngọc nên chẳng ai mất công mất sức nuôi cấy làm gì. Cũng nhờ vậy mà ngọc trai ở đây chất lượng cao lắm. Ngọc tròn đều, màu sắc rõ nét, càng đeo lâu càng lên nước bóng loáng".
Ngọc trai được bày bán lộn xộn với các món hàng lưu niệm tại Khu du lịch Hòn Chồng và "phố ngọc" Cầu Đá.
Tại một số quầy hàng mỹ nghệ khác, mỗi khi có khách ghé mắt trông ngang là các ông bà chủ quầy đều sốt sắng chào mời bằng đủ màn đủ kiểu, người cầm ngọc mài xuống mặt kính, kẻ sẵn sàng đập nát một viên ngọc để chứng minh cho khách thấy mình không bán ngọc mạ, ngọc xi. Nhưng tựu trung lại đều khẳng định ngọc trai mà họ bày bán là ngọc thiên nhiên được khai thác dưới đáy biển sâu của vùng biển Khánh Hòa.
Ở Khu du lịch biển Hòn Chồng, ngọc trai được bày bán tràn lan với những mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ nít. Thấy nhóm các cô gái chăm chú ngắm ngọc, người bán giải thích: "Khi bị một hạt cát rơi vào, con trai đau xót sẽ tiết ra lớp xà cừ bao lấy vật thể lạ. Theo thời gian, lớp xà cừ ấy dày dần và trở thành ngọc. Vấn đề ở chỗ lớp xà cừ của ngọc trai tự nhiên rất dày, màu sắc tuyệt hảo. Còn ngọc trai nuôi cấy do con người cố tình bỏ cát vào miệng con trai và cho trai ăn các chất tăng trưởng nên màu ngọc rất nhạt, càng để lâu càng mờ chứ không sáng như ngọc tự nhiên mà chị đang bán".
Trả tiền thật mua chất lượng ảo
Tùy lớn nhỏ mà mỗi xâu ngọc trai có giá từ 250.000-600.000 đồng. "Ngọc trai đeo sang trọng, quý phái mà giá lại rẻ nên cô bác đừng bỏ qua cơ hội này nghen". Trước những lời khích lệ của người bán, nhất là khi nhận được những lời giải thích căn nguyên của việc ngọc giá rẻ do "vào mùa trai cho ngọc, ngư dân lặn biển mở trai lấy ngọc mệt nghỉ" hay "do chị lấy tận gốc nên mới có giá cạnh tranh" từ phía người bán, nhiều du khách thi nhau tuyển ngọc quý cứ như kiểu mua bán rau với bên trao tiền, bên trao ngọc.
Tại Chợ Đầm, tậu cùng lúc 4 sợi ngọc trai viên nào viên nấy bự cành cành nhưng chỉ được bán với giá 600.000 đồng, bà khách ở Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) háo hức thổ lộ với nhóm người vừa bước vào quầy: "Nghe nói ngọc trai được kết tinh từ những thực thể phức tạp nên không có chuyện lầm hàng. Mua đi em, kẻo mất cơ hội đấy".
Đem thắc mắc có đúng là những chuỗi ngọc trai được rao bán với giá rẻ bất ngờ kia là ngọc trai tự nhiên được khai thác ở vùng biển Khánh Hòa, hỏi nhiều cư dân sở tại, chúng tôi nhận được những cảnh báo "cẩn trọng kẻo mất tiền oan".
Người bảo "chỉ có ngọc giả thì giá mới rẻ như cho", người mách nước "đó là bột đá ép khuôn được nhập từ Trung Quốc với giá chỉ vài chục ngàn đồng một chuỗi". "Trước đây để phân biệt ngọc trai thật hay giả, người ta thường lấy viên ngọc thật mài trên kính hay nền đá.
Nếu là ngọc thật sẽ xuất hiện bụi và vết trầy nhưng khi lau qua thì viên ngọc sáng choang không vết tì xước và ngược lại. Bây giờ kỹ nghệ tạo ngọc giả của các tay bịp rất siêu, chỉ có thể dùng búa đập vỡ viên ngọc mới biết thật giả. Ngọc thật màu sắc từ trong ra ngoài đều như nhau nhưng ngọc dỏm thì trong ngoài có sự khác biệt".
Bật mí đến đây, ông K., chủ hiệu vàng ở đường 23/10, chép miệng: "Khoan nói đến chuyện ngọc giả, tôi là dân trong nghề mà lắm khi khó nhận biết đâu là ngọc trai nuôi, đâu là ngọc trai khai thác tự nhiên, nói chi khách. Thường thì dân bán ngọc nhìn mặt khách mà chặt chém. Có khi họ nâng giá chuỗi ngọc gấp trăm lần giá trị thực. Khách ngu ngơ trả giá cỡ nào cũng dính".
Tại quầy trưng bày ngọc trai ở đảo Trí Nguyên, chị Lâm Thị Huệ (Công ty Du lịch Khánh Hòa), nhân viên bán hàng, lưu ý: "Giá trị giữa ngọc nuôi cấy và ngọc tự nhiên chênh nhau một trời một vực. Mỗi chuỗi ngọc trai tự nhiên giá ít nhất 5-6 ngàn đô (USD) nhưng không phải ai có tiền cũng mua được vì ngọc trai trong tự nhiên rất hiếm, không thể có chuyện bày bán tràn lan với giá chỉ vài trăm ngàn đồng một sợi".
Chị Huệ cũng lưu ý khách khi mua ngọc phải yêu cầu người bán xuất hóa đơn bởi đấy là cơ sở để khẳng định khách mua ngọc tại cửa hàng. Bằng không khi phát hiện mình mua trúng ngọc rởm, khách hàng khiếu nại thì bị chủ cơ sở phủi trách nhiệm bởi không có chứng cứ chứng minh đấy là chuỗi ngọc do họ bán!
Video clip : Cách phân biệt ngọc trai