6 bí quyết lựa chọn ngọc trai
Ngoc trai là loại trang sức sang trọng hàng đầu được nữ giới lựa chọn.
Tuy nhiên, để chọn được loại ngọc trai phù hợp, đúng giá trị là điều không dễ dàng.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm ngọc trai, đa dạng với đủ chủng loại. Làm thế nào để chọn mua được loại ngọc trai phù hợp, đúng với giá trị thật của chúng là một điều khá khó khăn đối với đa số người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngọc học của Ngọc Trai Hoàng Gia, bạn chỉ cần nắm được 6 bí quyết sau đây là có thể tự tin trở thành một khách hàng “sành điệu” về ngoc trai:
1. Độ bóng sáng (lustre)
Độ bóng sáng là tiêu chuẩn quan trọng trong việc đánh giá chất lượng ngọc, thông qua mức độ phản chiếu ánh sáng trên bề mặt viên ngọc. Một thuật ngữ quen dùng để chỉ độ bóng sáng là nước ngọc. Nước ngọc được xác định bởi chất lượng của lớp xà cừ cũng như độ dày của lớp ngọc bao phủ. Lớp xà cừ càng dày thì khả năng độ bóng sáng càng cao. Điều này bị chi phối bởi 3 yếu tố: môi trường nuôi, thời gian nuôi và giống trai nuôi cấy.
Độ bóng sáng rõ nhất có thể bắt gặp ở ngọc trai Tahiti màu đen ánh xanh, hoặc ngoc trai South Sea màu vàng kim. Nước ngọc của 2 loại này dễ dàng phân biệt và làm nổi bật màu sắc đặc trưng trên lớp ánh xà cừ của viên ngọc.
[2. Màu sắc
Có thể tạm chia màu sắc của ngọc trai thành 2 nhóm:
- Nhóm màu sáng với các màu trắng, trắng kem, trắng hồng, vàng chanh, vàng kim
- Nhóm màu tối với các màu đen ánh xanh, đen ánh chì, xám
Việc chọn màu sắc của ngọc phụ thuộc vào sở thích cá nhân và không phản ánh chất lượng của viên ngọc. Màu sắc ngọc bị chi phối bởi 3 yếu tố cơ bản:
- Giống trai (gen): phần màu xà cừ có thể quan sát được dãi màu từ mặt trong của vỏ trai; thường có ba giống trai chính được gọi theo tên thương mại là: Tahiti, Maxima và Akoya
- Một số nguyên tố vi lượng trong môi trường nước trai ngọc sinh sống; ví dụ môi trường biển tại Tahiti có thể cho ra loại trai đen có ánh màu đặc trưng.
- Kỹ thuật cấy ghép phôi cũng ảnh hưởng việc tạo màu tự nhiên của viên ngọc.
Tuy nhiên, do đặc tính của một số giống trai ở những vùng biển đặc biệt hoặc do đột biến về màu sắc có thể cho ra những màu ngọc lạ, hiếm nên giá trị ngọc có thể chênh lệch khá lớn đối với những màu sắc này.
Một ví dụ như màu đen ánh chì hoặc ánh xanh của loại ngọc Tahiti, gam màu này chỉ được nuôi và phát triển đa số tại đảo quốc Tahiti thuộc Pháp. Màu vàng kim của ngọc trai South Sea đang lên ngôi trong làng thời trang – trang sức với giá trị rất cao do giống trai Pinctada maxima tạo ngọc và được nuôi chủ yếu tại vùng biển nam thái bình dương.
3. Hình dạng
Hình dạng viên ngọc đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị. Ngọc trai có thể chia thành các nhóm cơ bản: tròn, bầu dục, giọt nước, bầu, hình biến dạng.
Từ xưa đến nay, chuẩn mực của một viên ngọc chính là độ tròn đều không tì vết của nó.
Nhưng dưới sức sáng tạo của các nghệ nhân, những viên ngọc có hình dáng bất thường đôi khi lại tạo ra được những mẫu trang sức đặc trưng và cá tính.
4. Bề mặt
Bề mặt của viên ngọc cũng là một đặc tính giúp xác nhận giá trị, chỉ một vài tì vết nhỏ trên bề mặt cũng sẽ làm giảm giá trị và vẻ đẹp tổng thể của chúng. Sự hoàn hảo trên bề mặt ngọc phụ thuộc vào 3 yếu tố:
- Kỹ thuật công nghệ cấy ngọc;
- Điều kiện về khí hậu và môi trường nuôi; một viên ngọc được nuôi ở môi trường có nhiều ký sinh hoặc khí hậu không ổn định thường tỷ lệ bề mặt ngọc hoàn hảo sẽ thấp hơn;
- Kỹ thuật nuôi chăm sóc trong quá trình nuôi lấy ngọc.
5. Kích thước
Kích cỡ của viên ngọc được đo bằng đường kính tính theo đơn vị mm. Viên ngọc sẽ được định giá chủ yếu dựa trên tiêu chí này. Đối với một số viên ngọc, một vài mm chênh lệch cũng có thể dẫn đến sự khác biệt lớn về giá trị từ 100 đến 200%.
Kích thước ngọc phụ thuộc chủ yếu vào 3 yếu tố:
- Kích thước từng giống loài: thường giống trai Maxima cho ra ngọc lớn hơn do lợi thế về kích thước lớn của thân loại trai này;
- Kỹ thuật công nghệ cấy ngọc: một kỹ thuật viên khéo tay và lành nghề luôn cấy được nhân cấy lớn hơn những kỹ thuật viên khác;
- Thời gian nuôi lấy ngọc: thời gian nuôi càng lâu thì trai sẽ cho ra ngọc càng lớn, tuy nhiên khả năng này cũng tỷ lệ thuận với lượng ngọc bị biến dạng về hình dáng hoặc gia tăng tì vết trên bề mặt.
6. Độ dày ngọc:
Độ dày ngọc chính là lớp xà cừ bao phủ nhân cấy bên trong viên ngọc. Lớp ngọc càng dày, ngọc càng có giá trị cao. Tại đảo quốc Tahiti thuộc Pháp, độ dày lớp ngọc được quy định rất nghiêm ngặt, một viên ngọc đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải đạt độ dày ngọc tối thiểu 0.8mm
Độ dày phụ thuộc chủ yếu vào 4 yếu tố:
- Thời gian nuôi lấy ngọc cũng như độ lớn nhỏ của nhân cấy chứa bên trong viên ngọc;
- Tình trạng sức khỏe của con trai ngậm ngọc;
- Mật độ các loại vi tảo là thức ăn của trai có trong môi trường nuôi;
- Chế độ chăm sóc trong quá trình nuôi.
Với 6 bí quyết trên mong rằng sẽ giúp bạn chọn lựa được sản phẩm ngọc trai đúng với mong muốn của mình.
Ghi chép từ tư vấn của chuyên gia Hồ Thanh Tuấn – Công ty Ngọc Trai Hoàng Gia
Theo 24h.com.vn