Mờ tỏ thị trường ngọc trai
Đến Phú Quốc (Kiên Giang), du khách sẽ choáng ngợp trước hàng loạt phòng trưng bày ngọc trai đủ kích cỡ, màu sắc. Nhưng giá trị thật của chúng tới đâu, chỉ có người bán mới biết!
Tại một phòng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở thị trấn Dương Đông, đập ngay vào mắt khách tham quan là hàng loạt xâu chuỗi ngọc, hoa tai, nhẫn... đính ngọc, đủ màu sắc. Dọ hỏi thử giá một xâu chuỗi lớn, giá 1,5 triệu đồng. “Rẻ như vậy bởi đây là ngọc trai nuôi xuất xứ từ Trung Quốc. Một con trai nuôi ở Phú Quốc chỉ thu được tối đa 40 viên ngọc, trong khi nuôi tại Trung Quốc có thể thu tới 60 viên”, người bán giải thích.
Ngọc trai ở Phú Quốc có giá khá cao, tùy theo hình dạng, màu sắc và nguồn gốc. Quý nhất là loại ngọc đen, có thể đạt mức giá trên 1.000 đô la Mỹ/viên loại 10-12 li. Còn loại ngọc trắng ngà thu được từ nuôi cấy nhân tạo cũng có giá vài chục đô la Mỹ mỗi viên... Từ năm 2000 đến nay, khi du khách đổ về Phú Quốc ngày càng nhiều, nghề mua bán ngọc trai cũng ăn nên làm ra. Anh Tư Lương, ngụ tại thị trấn Dương Đông, vốn là thủy thủ đã bỏ nghề, lên bờ mở gian hàng bán ngọc trai... “Ngọc ở đây đủ loại giá. Nhưng bán chạy nhất là loại ngọc có giá trên dưới 1 triệu đồng/viên”, anh nói. Những viên ngọc trắng ngà, xanh thẫm, đỏ nhạt, đen... được bày biện khắp nơi. Theo nhiều người kinh doanh ngọc, có giá nhất vẫn là ngọc khai thác từ tự nhiên. Những con trai sống trên biển tự tiết ra chất xà cừ bao bọc chống lại những tác nhân bên ngoài. Năm này qua tháng nọ, viên ngọc dần thành hình và có thể đạt đến kích cỡ 12-16 li... Ngọc tự nhiên càng đeo càng bóng, dù hình dạng không tròn lẳn như những viên ngọc trai nuôi. Chúng đạt độ bóng cao đến nỗi nếu lấy một cái búa đập thẳng vào, viên ngọc sẽ bay ngay đi chỗ khác mà không hề bị một vết xước. Còn viên ngọc nhỏ, lận vào bên trong mí mắt vẫn không thấy cộm, ngứa mắt. Tuy nhiên, khoan lỗ để xỏ là điều cấm kỵ đối với ngọc tự nhiên, bởi giá trị của chúng sẽ giảm ngay! Ông Huỳnh Phước Huệ, chủ phòng trưng bày Cội Nguồn ở thị trấn Dương Đông, nói rằng tại Phú Quốc đã có viên ngọc tự nhiên có kích cỡ đến 18 li, bán được với giá 22 triệu đồng. “Theo tôi biết, còn có viên ngọc khác bán được với giá trên 50 triệu đồng!”, ông Huệ kể. Hiện tại, anh Tư Lương còn sở hữu cặp ngọc tự nhiên màu hổ phách mà có người đã trả giá đến 1.900 đô la Mỹ. Mới đây, anh H., chủ một phòng trưng bày tại Phú Quốc, cũng bán được xâu chuỗi ngọc có giá trên 140 triệu đồng. Theo giới kinh doanh ngọc trai, với giá bán như vậy, anh H. thu lãi không dưới 70 triệu đồng. Ngọc trai ngày càng có giá chính là do nhu cầu của du khách. Và từ năm 2001, đã lần lượt xuất hiện một số cơ sở nuôi cấy ngọc nhân tạo. Với những con trai mạnh khỏe, to hơn bàn tay đôi chút, người ta có thể cấy vào từ 20-40 phôi và thả về biển, nuôi trong những lồng sắt. Hàng tuần, người nuôi vớt trai lên để làm sạch những con hàu bám... giúp trai phát triển mạnh. Sau 1-2 năm, người nuôi có thể thu hàng chục viên ngọc trong mỗi con trai. Anh Lương cho biết, ngọc bày bán được cung ứng từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể là từ các chủ trại nuôi ngọc trai tại Phú Quốc, cũng có thể là hàng trôi nổi. “Loại ngọc trôi nổi có lý lịch rất mơ hồ. Có người nói là ngọc của Trung Quốc, người khác lại cho là ngọc của Nha Trang... Với những người kinh doanh như chúng tôi, nguồn gốc không quan trọng mà chỉ cần kiểm định kỹ về màu sắc, độ bóng”, anh nói. Phú Quốc hiện chỉ còn vài cơ sở nuôi ngọc và sản lượng cũng không lớn. Nơi nuôi nhiều nhất cũng chỉ còn khoảng 500 lồng (khoảng bốn con/lồng) và tỷ lệ thu ngọc cũng chỉ đạt khoảng 40%. Trong khi đó, nguồn ngọc thiên nhiên khai thác được ngày càng hiếm. “Tỷ lệ trai tự nhiên có ngọc bình quân là 1/10.000 con. Năm rồi, tôi còn mua được khoảng 20 viên, nhưng từ đầu năm đến nay chẳng mua được viên nào”, anh Lương khẳng định. Chính một số người trong giới kinh doanh ngọc ở đây thừa nhận, lượng ngọc có nguồn gốc Phú Quốc chiếm chưa đến 20% số ngọc đang được bày bán tại đây. Anh P., người khá am hiểu về ngọc trai Phú Quốc, nói rằng từ lâu đã xuất hiện loại ngọc giả được làm bằng nhựa cao cấp, sau đó tráng một lớp men bóng trông không khác gì ngọc trai thật. Có viên được chỉnh sửa cho có vẻ hơi méo mó như những viên ngọc tự nhiên. “Người mua bán ngọc trai 1-2 năm chưa chắc phân biệt được thật giả”, anh Lương khẳng định. Giới cung cấp ngọc còn rất ma mãnh khi tuồn những viên ngọc giả cho những ngư dân mang đi bán, để khách hàng lầm tưởng rằng đấy chính là ngọc khai thác được từ tự nhiên. Một chi tiết khác cũng đáng chú ý là hiện nay, chẳng có tiêu chuẩn thống nhất nào để đánh giá chất lượng ngọc trai. Do đó, giá ngọc hầu như do người bán chi phối. Trong khi đó, ngọc trai thuộc dạng hàng trang sức xa xỉ, chẳng thể trao đổi, mua bán dễ dàng như vàng, kim cương... Một viên ngọc mà khách mua với giá 10 triệu đồng, sau một thời gian có thể chỉ bán lại được cao nhất với giá 1-2 triệu đồng - dù bán cho chính nơi đã bán cho mình!
(Nguồn: TBKTSG)